NẶNG TÌNH VỚI NGHỆ THUẬT
HỌA SĨ LÊ KHÁNH THÔNG
Xin đừng để hoa tàn
Trong tâm hồn nghệ sĩ
Hoa là cả đời ta
Hoa là người tri kỷ (1)
Giảng dạy, vẽ tranh, viết báo, làm thơ – Họa sĩ Lê Khánh Thông, một nghệ sĩ năng động, đa tài!
Với hơn 60 năm tuổi nghề, ở cái tuổi được gọi là thượng thọ “bát thập” (80 tuổi) ông vẫn không ngừng sáng tác. Trên 30 bài thơ chưa được in thành tập thơ, hàng chục bài viết đăng trên các báo, trên 100 tác phẩm hội họa, ký họa – một gia tài không nhỏ của một nghệ sĩ đã hết lòng vì nghệ thuật.
![]() |
Họa sĩ Lê Khánh Thông sinh ngày 10/10/1943 tại một làng quê miền Trung nghèo thuộc xã An Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, ông đã có tình yêu với hội hoạ. Năm 16 tuổi (1959), ông thi đỗ vào trường Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp (1963), ông được giữ lại công tác ở khu Triển lãm Trung ương thuộc Bộ VHTT.
Hai năm sau, cuối năm 1965, ông được cử vào Nam phục vụ cho báo Mặt trận Dân tộc Giải phóng bằng ngòi bút của mình. Theo dấu chân người lính, ông vẽ tranh cổ động, tranh biếm họa tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh ở vùng địch tạm chiếm tại Huế. Viết bài thật nhanh cho kịp giờ phát, những thông tin nóng hổi từ chiến trận, những tấm gương chiến sĩ là nguồn động viên tinh thần đối với người chiến sĩ ở chiến trường. |
Giai đoạn 1969-1975, ông là phóng viên và là Ủy viên BCH Hội Văn nghệ Giải phóng khu Trị Thiên Huế.
Sống ở miền Nam con nhớ Bác
Non sông đang dậy sóng triều lên
Ấm áp bao la hòa biển rộng
Theo lời Bác gọi sáng niềm tin (2)
Năm 1964, ông vinh dự được gặp Bác Hồ tại Triển lãm 10 năm thành tựu kinh tế, đấu tranh giải phóng miền Bắc. Được nghe Bác dạy bảo, góp ý những cái được và chưa được của triển lãm: “Nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống”, “Vẽ cái gì? Vẽ cho ai? Vẽ để làm gì?”, đó là ngày hạnh phúc nhất, là niềm vui lớn nhất làm hành trang, làm chí hướng phấn đấu theo ông suốt cuộc đời cầm cọ. Sau ngày Huế giải phóng, để nâng cao trình độ ông ra Bắc tiếp tục học ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khóa 18 (1975-1979). Ra trường, ông tham gia giảng dạy Mỹ thuật tại Hà Nội và Hà Tĩnh và là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ Tĩnh (1980-1993). Năm 1984, ông được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam chuyên ngành Hội họa. Năm 1993, chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai, ông chuyển về giảng dạy ở khoa Cơ bản trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương đến năm 2004 nghỉ hưu và là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương từ đó đến nay.
Đó là những thông tin được chia sẻ khi chúng tôi đến để viết bài cho triển lãm cá nhân của ông sắp được tổ chức vào dịp 30/4/2023 nhân kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và cũng là ngày khai mạc triển lãm cuộc thi Mỹ thuật Bình Dương lần thứ XII – 2023 tại Bảo tàng Bình Dương.
Ngược thời gian về những miền ký ức, người chiến sĩ năm nào vẫn giữ nguyên vẹn một tâm hồn lành sạch, kín đáo và chân thành của một người nghệ sĩ – Đó là ghi nhận của Họa sĩ Lê Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trong tập sách “Họa sĩ Lê Khánh Thông” do Hội Mỹ thuật Việt Nam in tặng năm 2014, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ông được gặp Bác Hồ (1964-2014). Hiện tại, chuẩn bị gần 60 tranh và ký họa còn lưu giữ lại, tất cả được họa sĩ tự tay vào khung chất đầy từ trên phòng ngủ xuống phòng khách. Để có được những bức ký họa đơn sơ vẽ trên giấy khổ nhỏ bằng nhiều chất liệu: màu nước: Công nhân vô tuyến (1969), Cu AXở (1971), Bác Nhã 64 tuổi vẫn thoát ly với Cách mạng (1972); bút dạ: Bé Đông 8 tuổi – liên lạc thành phố (1968), Đồng chí Cu Tuôi – dũng sĩ diệt Mỹ Cù Mông (1971), Không cho địch vào căn cứ (1972); bút sắt: Bà con dân tộc Kà Tu trong Đại hội (1971), Cầm lựu đạn ngồi xem văn công (1972), O văn công dân tộc Kà Tu (1972); bút chì: Chiến sĩ trinh sát dũng cảm (1967); chì than: Chủ nhiệm hậu cần tiếp phóng viên Thông tấn xã giải phóng (1968), Tiến vào căn cứ Động Tranh (1968)… ông đã sống và chiến đấu như những người chiến sĩ thực thụ, bình thản trước bom đạn, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình. Không những vẽ mà ông còn phải gìn giữ, bảo vệ những ký họa ấy. Đó là cảm xúc thật, hình ảnh thật, con người thật đã mang đến cho ông tình yêu thương, gần gũi đặc biệt! Những gương mặt thanh thản, bình dị nhưng kiên nghị; những phong cảnh, cảnh sinh hoạt sống và chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ; những trận càn đã đi qua… những bức ký họa ấy ngoài giá trị nghệ thuật cao còn có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn vì đã ghi lại chân thực hình ảnh của đất nước trong một thời gian dài.
Ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, non sông quy về một mối, ánh sáng hòa bình khiến cho cả dân tộc vỡ òa và ngỡ ngàng trước bao điều mới lạ. Mỹ thuật Việt Nam có sự chuyển mình từ một nền mỹ thuật gắn bó với chiến tranh bước sang phản ánh cuộc sống hòa bình xây dựng xã hội chủ nghĩa và nhất là triển lãm mỹ thuật toàn quốc mở đều đặn năm năm một lần. Hòa cùng dòng chảy đó, ông vẫn hết mình vì hội họa, ký họa đều đặn: Những cây thông đơn độc (mực nho, 1976), Bến cửa Ông (bột màu, 1977), Lão xã viên nuôi cá giỏi (màu nước, 1978), Tri thức trẻ Hà Nội (phấn màu, 1978), Tre mùa hạ bên sông La (màu nước, 1982), Cảng Hải Phòng (bột màu, 1981), Góc phố Đà Lạt (màu nước, 2002)… Những tác phẩm Thuyền trên sông Đuống (màu nước, 1975), Bện thảm ngô (khắc gỗ, 1976), Trong lò luyện bột hàn tự động (sơn dầu, 1977), Tre làng Kim Liên (sơn dầu, 1983)…
Rồi, ánh sáng của “đổi mới tư duy” mà Đảng ta khởi động từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) và “Hãy cởi trói cho văn nghệ” – Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Các giá trị mới về con người, về cuộc sống được người nghệ sĩ thấu hiểu, đặt trách nhiệm khi cầm cọ… Những vấn đề của quá khứ được tái tạo lại một cách mới mẻ hơn, thuyết phục hơn. Ý thức vươn lên để khẳng định cái tốt, cái tiến bộ, chống lại cái ác, cái xấu, phi nhân tính đã được tái hiện khá sâu sắc, sinh động.
Bên cạnh đề tài ký ức chiến tranh, những nội dung về cuộc sống hòa bình, lao động sản xuất, xây dựng đất nước được biểu hiện qua nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình của ông như: Phú Lợi – nơi không quên tội ác (sơn dầu, 1999), Trước sân nhà em (bột màu, 1990), Bình Dương hội nhập và phát triển (phù điêu, 1996), Những cô gái bến dừa (lụa, 1998), Mùa lúa ở An Giang (sơn dầu, 2009)… Đặc biệt, Bác Hồ thể hiện tấm lòng và tình cảm với quê hương đất nước, với nhân dân, với chiến sĩ cách mạng luôn là một đề tài lớn trong cuộc đời sáng tác của ông, các tác phẩm: Bác Hồ với quê hương nghệ Tĩnh (1984) – được Tổng cục Bưu điện Việt Nam sử dụng để in trên tem, Bác Hồ với nông dân (1985) – hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Bác Hồ với dũng sĩ diệt Mỹ nhỏ tuổi miền Nam (2000) – Giải ba giải thưởng về Bác Hồ tại Bình Dương…
Vẫn với khuynh hướng hiện thực, những tác phẩm của họa sĩ Lê Khánh thông cho thấy ngoài sự đa dạng về nội dung đề tài còn đa dạng về mặt chất liệu: từ chì, than, phấn màu, màu nước, bột màu, mực nho cho đến sơn dầu, khắc gỗ, lụa… Ở chất liệu sơn dầu, bút pháp hội họa của ông chân thực, không cường điệu. Sự tương phản giữa các mảng sáng tối tạo cảm giác cho người xem như được đắm chìm vào cảnh vật và con người thật nơi đó. Những tác phẩm mà ông tâm đắc đều mang chủ đề người lính: Nghị quyết mật đến với cơ sở mật (2013) – Ông đã suy nghĩ khá lâu về đề tài và vẽ hơn một năm mới hoàn thành. Tác phẩm khắc họa hình ảnh đồng chí Nguyễn Văn Linh (người ngồi võng) và đồng chí Đồng Sĩ Nguyên (người báo cáo) cùng những sinh viên, tiểu thương, người lao động đang ngồi học Nghị quyết 5 trong hầm ở khu Trị Thiên, Huế. Trạm phẫu trong hầm chữ A (1997) – Tranh thể hiện những ngày ông bị phục kích, bị thương nằm điều trị tại hầm chữ A ở ngoại thành Huế. Chị Năm Hồng tìm đồng đội (1999) – Tranh được vẽ sau chuyến đi thực tế ở căn cứ Trung ương Cục Tây Ninh. Những hài cốt đồng đội, hòm tử sĩ được lấy về chất đầy nhà…
Tranh lụa của ông thể hiện một sắc thái thanh nhã, giản dị nhưng bút pháp hoạt bát, vừa truyền thống vừa hiện đại. Có lúc phân bổ sáng tối thể hiện dạng khối Nối nghiệp truyền thống (2010). Có khi sử dụng mối quan hệ đậm nhạt của màu để đạt được cung bậc phong phú nhất của nét mực từ màu nhạt đến đen thẩm, kết hợp với sức mạnh nhấn nhá của nét bút làm nên hai yếu tố quan trọng hàng đầu của tranh lụa truyền thống: Đêm bình yên (2002) – Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ba thế hệ đánh giặc (2004) – Giải Ba Huỳnh Văn Nghệ Bình Dương, Bám biển (2014) – Giải khuyến khích Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương…
Năm nay 2023, tác phẩm Bình Dương chế biến thực phẩm sạch (Acrylic, 90x110cm) ông tham gia cuộc thi Mỹ thuật Bình Dương lần thứ XII – 2023 với chủ đề Bình Dương – 26 năm xây dựng và phát triển. Ông trải lòng: “Là họa sĩ phải có tác phẩm và để có tác phẩm thì phải sáng tác thường xuyên. Chỉ mong có sức khỏe để sáng tác vì đó là cái nghiệp đã theo tôi hơn 60 năm qua…”
Họa sĩ Lê Khánh Thông dành trọn cuộc đời cho sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm túc. Với những cống hiến, ông được trao nhiều huân chương, huy chương, kỷ niệm chương cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Giải phóng hạng Nhì, hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Viêt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa, Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Báo chí Giải phóng.
Ông là tấm gương về lao động nghệ thuật cho thế hệ trẻ ngày nay. Trao đổi với chúng tôi, ông có mong muốn: Một là: Bình Dương có một ngôi trường Mỹ thuật là cái nôi của Mỹ thuật cả nước, đến nay đã hơn 120 năm hình thành và phát triển (1901-2023). Làm thế nào để trường ngày càng phát triển và cái tên trường Mỹ thuật Bình Dương mãi mãi trường tồn với thời gian. Hai là: Ông luôn đau đáu suy nghĩ Hội VHNT Bình Dương cần có một không gian trưng bày, triển lãm chuyên nghiệp cho chuyên ngành Mỹ thuật để Mỹ thuật Bình Dương có nơi chia sẽ, giao lưu tạo sự đổi mới, niềm đam mê mỹ thuật ngày càng được chấp cánh, thăng hoa. Ba là: Ông luôn kỳ vọng, mong mỏi sự tiếp nối thế hệ, kế thừa trong sáng tạo của các họa sĩ trẻ Bình Dương. Chính họ sẽ là nhân tố quyết định tạo nên bản sắc, vị trí và vai trò riêng của Mỹ thuật Bình Dương trong sự phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam./.
NGUYÊN AN
Chú thích:
(1) Bốn câu thơ trích từ bài thơ Hoa được ông viết vào năm 1982 tại thành phố Vinh.
(2) Bốn câu thơ trích từ bài thơ Nhớ Bác được ông viết vào ngày 03/9/1969 tại Chiến khu Huế.